Sáng ngày 17/4/2025, Nhóm Chuyên gia Hàng hải APEC (Maritime Experts’ Group – MEG) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến chuyên đề với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực hàng hải bền vững, toàn diện và an toàn”. Cuộc họp do bà Trần Thị Tuyết Mai Anh – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế - IMO, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch MEG – chủ trì.
Phát biểu khai mạc, bà Mai Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực nhằm bảo vệ và phát triển lực lượng lao động trong ngành hàng hải, trong bối cảnh các nền kinh tế đang đối mặt với biến động về công nghệ, môi trường và thị trường.
Cuộc họp thu hút tổng cộng 64 đại biểu từ 14 nền kinh tế APEC gồm: Australia, Brunei, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra, có 3 đại biểu khách mời (1 nữ, 2 nam). Tỷ lệ tham gia cho thấy sự đa dạng và hài hòa giới tính, với 27 nữ và 37 nam.
Trong phần chia sẻ kinh nghiệm quốc gia, các nền kinh tế thành viên đã trình bày nhiều sáng kiến đáng chú ý nhằm phát triển nguồn nhân lực hàng hải theo hướng bền vững và bao trùm. Các nội dung xoay quanh chiến lược bảo vệ người lao động, cải thiện môi trường làm việc, thúc đẩy bình đẳng giới, cũng như đẩy mạnh số hóa và kết nối giữa các bên liên quan. Đáng chú ý, Canada nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn, công bằng tiền lương và hệ thống tuân thủ linh hoạt; Nga và Đài Loan đề xuất các mô hình hợp tác liên ngành và cải cách hệ thống đào tạo nhằm thúc đẩy hòa nhập và năng lực chuyển đổi; Nhật Bản tập trung vào nâng cao điều kiện sống và làm việc cho thủy thủ trong bối cảnh chuyển dịch công nghệ xanh; Philippines chia sẻ quá trình số hóa hồ sơ nhằm nâng cao minh bạch và năng lực cạnh tranh. Đại diện Việt Nam – PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam – trình bày chiến lược xây dựng lực lượng lao động thích ứng với xu hướng mới, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi sâu về các chủ đề quan trọng như bình đẳng giới, hợp tác công – tư – học thuật, và chuẩn hóa đào tạo hàng hải theo hướng hiện đại hóa và xanh hóa ngành. Cuộc họp cũng cập nhật nhiều sáng kiến khu vực từ Mạng lưới Thuyền viên chuyên nghiệp APEC (APEC SEN), Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN), cùng với đề xuất sáng kiến Giao thông Thông minh từ Hàn Quốc và thông tin định hướng hợp tác mới từ Ban Thư ký APEC.
Kết thúc cuộc họp, bà Trần Thị Tuyết Mai Anh cảm ơn sự tham gia tích cực của các nền kinh tế và nhấn mạnh rằng những chia sẻ và sáng kiến hôm nay sẽ là nền tảng quan trọng giúp APEC phát triển lực lượng lao động hàng hải toàn diện, hiện đại và vững chắc trong kỷ nguyên mới.
Một số hình ảnh tại cuộc họp
Phòng HTQT-IMO